Sài Gòn “cờ thế giang hồ độ” - Bài cuối: Quỷ kế sòng cờ
Từ “cờ úp”, cờ thế...
Khoảng hai chục năm trở lại đây thì “cờ úp” bắt đầu được biết đến nhiều trong giới giang hồ cờ độ. Ban đầu, nó là một môn thể thao xuất phát từ Hồng Kông, kỳ thủ nổi tiếng nhất là ông Triệu Nhữ Huyền.
“Nhất sát” Lê Thiên Vị nói: “Cờ úp” hiểu nôm na là các quân cờ bị lật úp xuống, trừ hai quân tướng được ngửa mặt lên, xếp đúng vị trí”. Còn lại, các quân khác bị úp mặt và được xếp ngẫu nhiên vô các vị trí như bình thường. Chẳng hạn, tại vị trí quân xe, lúc úp xuống, nước đi đầu tiên, nó sẽ được đi theo cách của quân xe. Đi xong nước đó, người chơi mới được ngửa mặt quân này lên. Lúc đó, nó sẽ được “hóa kiếp”: Có thể là con tốt, hoặc con mã, thậm chí là con sĩ; hoặc có thể là đúng quân xe, từ đó trở đi, quân cờ này sẽ đi theo cách thông thường của nó. Bởi vậy, thế trận “cờ úp” sẽ biến hóa khôn lường và... buồn cười. Chẳng hạn, đôi khi sĩ - tượng là “cận vệ” của tướng, theo luật thì chỉ ở nhà giữ cung, thì nay bỗng nhảy vọt qua hà, xông pha chiến trận ầm ầm...
Sang đến Sài Gòn, “cờ úp” được dân cờ độ gọi là “cờ tối”, khác với “cờ sáng” là ngửa mặt quân như thông thường. “Cờ úp” được đem ra giang hồ làm kèo đánh độ, “khách” là những người cờ thấp, chơi “cờ úp” hy vọng vận may nhiều hơn là tính toán. “Nhị sát” Lê Nhị Trí nói: “Người thấp cờ, nếu nước đầu bắt trúng con xe cũng đã có khả năng thắng độ đến 60 - 70%”. Để chắc thắng, giang hồ thường đánh dấu rất kín dưới đáy quân cờ, một vết dao rạch nhỏ hay một vết bút bi. Lúc lâm trận, cứ tìm quân cờ có vết đó mà lật lên trước, thường là quân xe, “hỏa lực” mạnh, dễ tàn phá thế trận từ khai cuộc. Một thời gian sau, mánh này đã lộ ra ít nhiều, khách dày dạn kinh nghiệm có cách đối phó là tìm cách “úp” lên các quân cờ úp một lần nữa, chẳng hạn là cái nắp chai, hay hộp đựng hột xoàn.
Ngoài “cờ úp”, cờ thế cũng hay được đặt tại nhiều bến xe, rạp hát để dụ khách chơi. Cách này đúng là “cờ gian” bởi chỉ sơ sẩy một chút, “gà” sẽ bị đánh tráo quân hoặc bị đặt quân cờ sai so với vị trí ban đầu của thế cờ. Điển hình là thế “Thất tinh tụ hội”. Thế này, mỗi bên còn 7 quân, nhưng quyết định việc thắng hay thua phụ thuộc vô con chốt đỏ ở biên. Con chốt này thường bị đặt ở vị trí... lấp lửng, nhìn qua không ai để ý. Khi “gà” chọn xong bên sẽ đặt cược, dân giang hồ sẽ áp tay lên con tốt này, đẩy lên hoặc lùi xuống một nước để chọn phần thắng về mình.
Đến cạm bẫy “morse” (tín hiệu)
Đây là đòn đánh sát thủ của dân giang hồ. Nó có thể hạ gục một tay đánh độ lão luyện nhưng tham tiền, thậm chí đả bại một kỳ vương nếu không cảnh giác chứ chẳng kể “gà”. Đơn giản nhất là “morse” bằng tay. Người chơi sẽ được cao thủ ngồi bên nhắc nước đi bằng cách ra dấu tay. Rồi đến “morse” bằng điếu thuốc lá. Cao thủ hơn thì “morse” bằng... lời hát, bằng những con số. Qua những tín hiệu này, người được “morse” cứ việc đi cờ theo mà “thịt” đối phương.
Theo “nhị sát” Lê Nhị Trí thì trước đây, bị “morse” nhiều nhất là ông T. chủ một tiệm thuốc Tây rất giàu có. Ông này cực kỳ mê cờ. Đánh độ, mới đầu chỉ là một ly nước, đến một vài phân vàng, vài chỉ vàng; đến khi độ lớn đến hàng lượng, hàng chục lượng, ông T. bị thua hoài mà vẫn mê. Có một dạo, ông T. chuyển sang đánh độ với ông L. bán phở. Ông L. sức cờ yếu, phải kêu cao thủ đến “morse”. Và không chỉ một người, ông L. kêu đến 3 người, cứ thế 4 tay vờn cho ông chủ T. thua lên bờ xuống ruộng. Thua nhiều cay cú, ông T. cũng nhờ đến cao thủ “chỉ giáo”. Để tránh “morse”, gặp nhau một điểm, ông T. lại lôi ông L. ra một điểm khác để bày bàn cờ đánh.
Một ván “cờ úp” giữa Lê Nhị Trí và Lê Thiên Vị
Ấy vậy cũng không thoát. Bên cạnh bàn cờ, thường xuyên xuất hiện những vị khách không mời. Khi thì ông đạp xích lô. Lúc lại là mấy tay bán hàng rong hiếu kỳ... Thực ra đó là những cao thủ “morse” của ông L.
Xưa bên Q.8 có ông T.C mê đánh cờ độ, dù sức cờ yếu nhưng sắp xếp đánh “morse” thì thuộc hàng mưu trí bậc thầy. Lần đó, có ông U.G qua chơi, đòi đánh độ. Ông này cờ cao hơn lại rất giàu có nên T.C đành phải nhờ tới Hứa Kim Thành, biệt danh “đại ma đầu”, kỳ thủ khét tiếng cao thâm. Để “morse” được, T.C phải ngồi áp lưng vô một tấm vách đã được khoét thủng lỗ. Từ đó, “đại ma đầu” mới nhìn xuyên qua, rồi “morse” bằng cách... lấy cọng chổi chọt chọt vô lưng T.C. T.C mới thắng như chẻ tre. Chuyện chỉ bị phát hiện ra khi một lần U.G tình cờ mò vô nhà trong tìm chỗ đi tiểu. Mới thấy tấm lưng thù lù của “đại ma đầu” ngồi sau tấm vách...
Những trận đánh kinh thiên động địa
Khoảng năm 1980, “song kiếm hợp bích” Lê Nhị Trí - Trần Quới ra giang hồ và được Thập Tam tìm đến. Lúc này, có cao thủ Hồng “quán trọ” mới ngoài Bắc vô đòi cáp độ với Thập Tam để đánh lớn. Thập Tam sức cờ yếu, thua Hồng “quán trọ” khoảng một nước rưỡi, bèn nhờ “nhị sát”. Cuộc đấu được diễn ra ở một căn nhà yên tĩnh. Ông Trí nhớ lại: “Hồng “quán trọ” cực kỳ khôn ngoan, đánh cờ chỉ cho hai người vô phòng. Trước lúc đánh ổng cũng đi một vòng kiểm tra trần nhà, bức vách xem có bị hở khe nào không”. Phải đợi cho hai bên đang say máu thì “nhị sát” mới lẻn vô phòng sát bên. Trần Quới phải khẽ khàng trèo lên cao, nhìn qua bức vách để xem thế trận. Ở bên dưới, ông Trí mới luồn qua đáy bức vách một sợi dây. Chờ lúc Hồng “quán trọ” mất cảnh giác, Thập Tam ngoắc đầu sợi dây vô ngón chân cái. Thế là Trần Quới ở trên cao “morse” xuống cho ông Trí, ông Trí lại giật dây “morse” sang cho Thập Tam. Trận đó thắng lớn, sau này Hồng “quán trọ” mới biết chuyện. “Đi dạo gặp nhau, ổng chỉ mặt tụi tôi là ba con vịt khôn nhất Sài Gòn!”, “Nhị ca” nhớ lại.
Cũng phải nhắc lại rằng vào những thập niên 70 - 80, vùng Sài Gòn - Chợ Lớn có nhiều ông chủ Việt, nhiều “xì thẩu” người Hoa giàu có và rất mê cờ tướng, thích chơi độ lớn. Đây có thể coi là “nguồn thu” chủ yếu của giang hồ cờ độ. Chưa kể nhiều đại phú miệt đồng bằng sông Cửu Long cũng xách tiền xuống Sài Gòn, tìm gặp đánh độ với các “kỳ vương”. Tất nhiên là họ thua nhiều nhưng ông Trí lý giải: “Mấy ổng vẫn thích gặp tụi tôi, có người coi đánh độ là học hỏi, có người lại coi được đánh với Trần Quới là vinh dự, cũng có người mê quá, thua rồi ghiền, đòi đánh hoài”.
Kể ra thì có ông T.Th. Lúc đầu, ổng được Trần Quới chấp... cặp mã, rồi chấp hẳn pháo - mã, ổng vẫn thua, Trần Quới phải chấp lên 1 xe, vẫn thua, Trần Quới phải chấp thêm 1 xe đánh phân tiên, ổng cũng thua tiếp. Ấy vậy mà chỉ thích đánh với Trần Quới. Đến mức, Trần Quới phải chấp thế này: Nếu đánh hòa, ông T.Th sẽ được thắng. Nếu ông T.Th thắng bằng chiếu bí, Trần Quới thua hết, ngoài ra phải mất thêm 20% số tiền cược coi như “thưởng ông T.Th đánh giỏi”.
Một lần, “nhị ác” ngồi ở hội cờ Q.5, nhác thấy bóng ông T.Th đậu xích lô ngoài đường, ông Trí nói: “Lác chảy (biệt danh Trần Quới) chuẩn bị nha”. Y như rằng, T.Th xộc vô hối: “Lác chảy hôm nay dám “cự” không?”. Hôm đó “thiên tài” mệt mỏi, với lại cũng không có nhiều tiền nên nói “không”. “Suốt cả buổi sáng, thấy ổng cứ đi ra đi vô xem cờ nhưng vẫn rủ thằng Quới miết” - ông Trí kể: “Tới buổi trưa, thấy ổng ngoắc xích lô, chắc là đi ăn, tụi tôi mới gọi lại kêu ổng ăn xong rồi đánh. Tính giờ đó, người già không minh mẫn, ăn xong sẽ buồn ngủ”. Chẳng dè, ông T.Th tỉnh queo, hối sắp bàn cờ đánh luôn. Anh em ông Nhị mới hùn tiền vô, “đậu” ra cho ổng coi trước rồi mới được đánh. Rồi ông T.Th lại thua tiếp...
Nguyễn Lê Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét