Kỳ vương Lý Chí Hải sinh năm 1926 tại huyện Tân Hội, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Trong suốt thập kỷ 50, danh tiếng ông lẫy lừng khắp Hồng Kông. Sang Nam Dương du đấu, ông thắng như chẻ tre và được cộng đồng người Hoa tôn vinh là Kỳ vương Đông Nam Á.
Năm 1959, lần đầu tiên ông đến Sài Gòn và thất bại đau đớn trước Phạm Thanh Mai. Đến năm 1963, sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng, ông lại sang Việt Nam phục hận tại giải "Cảng-Việt tượng kỳ tái". Ít ai ngờ rằng, chuyến đi này của ông đã làm thay đổi cuộc đời của hai danh kỳ Việt Nam.Tại Chợ Lớn thời bấy giờ, trên con đường Tổng Đốc Phương (nay là Châu Văn Liêm) có tiệm thuốc Bắc nổi tiếng của gia tộc họ Trần: khách hàng ra vào nườm nượp, thu nhập hàng tháng cả chục cây vàng. Người chủ tiệm không ai khác là kỳ thủ Trần Đại Sanh (Tài Sáng, nay khoảng 70 tuổi), một trong những tài năng trẻ trong giới cờ người Hoa tại Sài Gòn. Ông là lớp kế thừa xứng đáng của những Kỳ Triển Bàng, Trần Dụ Tham, Tất Kiên Dương…
Tài Sáng có lối đánh thông minh và nhiều sáng tạo. Trong đợt sang Việt Nam du đấu, Kỳ vương đã thất thủ trước Tài Sáng (1 hòa, 1 bại). Ngay sau chiến thắng này, ông được báo chí hết lời ca ngợi, nhiều người nhìn bằng con mắt thán phục. Nhưng vốn trẻ tuổi lại giàu sang, ông sinh ra lêu lổng và bắt đầu tham gia vào những cuộc cờ đỏ đen. Nhận thấy đây là cơ hội kiếm tiền thuận lợi, nhiều kỳ thủ "lão làng" bắt đầu tìm cách khích bác và dụ Tài Sáng vào bẫy bằng những trận tỷ thí lên đến cả cây vàng. Thật ra, tuy thắng được Kỳ Vương nhưng về kinh nghiệm và độ sáng tạo, Tài Sáng không thể hơn được những đàn anh của mình. Càng đánh càng thua, càng thua càng đánh, suốt ngày chỉ thấy ông xuất hiện trước bàn cờ; công việc kinh doanh bỏ bê, mặc cho vợ con lo liệu. Dần dần khách hàng thưa đi, bao nhiêu tiền bạc trong nhà cũng bị "nướng" vào những ván cờ vô bổ. Vài năm sau, cái tiệm thuốc Bắc nổi tiếng ấy của gia tộc họ Trần đã phải sang nhượng lại cho người khác. Tên tuổi kỳ thủ Trần Đại Sanh cũng từ đó mà chìm vào quên lãng.
Đất Mỹ Tho cuối những năm 50 có tiệm trà nổi tiếng là "cực thơm" nhờ kỹ thuật ướp gia truyền khéo léo và sự siêng năng, luôn tìm tòi những công thức mới của ông chủ tiệm. Ông đã "sục sạo", tìm tòi những loại trà hảo hạng nhất khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tên ông là Văn Hư Bạc (tự Văn Thuận, lớn hơn Tài Sáng vài tuổi). Ngoài trà, Văn Thuận còn nổi tiếng trong làng cờ. Ông là nhà vô địch tại Tiền Giang và xa hơn, khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ông cũng chẳng có đối thủ. Thỉnh thoảng, vào những ngày chủ nhật, ông phải chạy lên tận Chợ Lớn kiếm vài cao thủ để đọ sức cho "xứng đáng".
"Thằng tiệm trà" (tên gọi thân mật của ông) chính là niềm tự hào của người hâm mộ cờ tướng Mỹ Tho thời bấy giờ. Nhân dịp sang Việt Nam du đấu, Kỳ Vương Lý Chí Hải được ông Nguyễn Văn Anh (một Mạnh Thường Quân tại Mỹ Tho) mời về tỷ thí cùng Văn Thuận. Sau hai ván, "thằng tiệm trà" đã bất ngờ hạ Kỳ vương (1 hòa, 1 thắng). Cũng sau chiến thắng này, cuộc đời Văn Thuận đã biến đổi y như Tài Sáng. Không hài lòng với trình độ "đã hạ được Kỳ vương", ông lên Sài Gòn đánh độ cùng các cao thủ khác, bỏ bê việc kinh doanh tiệm trà cho vợ. Không người chạy hàng, không còn đôi tay "khéo léo" của chủ tiệm, công việc kinh doanh rơi vào thế tất yếu: trà không còn "thơm" như xưa, khách hàng thưa dần. Đến một ngày, số tiền trong nhà không còn đủ cung cấp cho những cuộc đỏ đen, bảng hiệu tiệm trà của ông phải bị tháo bỏ. Đau khổ hơn, ông còn bị vợ bỏ, phải đi làm để kiếm sống qua ngày rồi cũng như số phận Tài Sáng, tên tuổi ông dần dần đi vào lãng quên. Sau ngày giải phóng, vợ con đã đoàn tụ cùng ông. Hiện gia đình ông đang sống tại huyện Nhà Bè, TP HCM.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét