Hà Quang Bố thường được giới hâm mộ Cờ gọi là Giáo Bố. Tự nhận mình là hậu duệ của người Minh Hương. Sinh ra và lớn lên ở Rạch Giá, lập gia đình dời về sinh sống tại Cà Mau. Ông nội và cha đều là những tay chơi Cờ lão luyện. Khi Hà Quang Bố lên 10 đã được cha ông tận tình chỉ dạy kỳ nghệ. Đến năm 15 tuổi đã thành nhà vô địch trẻ tại huyện Long Mỹ, Rạch Giá.
Năm 1931, lúc 24 tuổi, xin được việc làm kinh lý cho khách sạn tại Sài-gòn. Và đây là khởi điểm cho một danh tiếng lẫy lừng. Ông mang theo một cơn bão nhỏ, thổi vào làng cờ thành phố. Đầu tiên ông đến điểm chơi Cờ ở ga xe lửa Saigon, khiêu khích và đánh bại cao thủ giang hồ Nguyễn Văn Lai. Kế tiếp làm kinh hồn những danh thủ ở Phú Nhuận, Đa-kao, Bình Tây, Xóm Củi. Nghe danh đại cao thủ người Hoa tại Cầu Kiệu là Trần Tựu oai nghi nhiều người nể phục, Hà Quang Bố tìm đến xin thử tài và đã làm cho Trần Tựu gục ngã. Tại đây ông gặp Nguyễn Văn Ngoan, kết nghĩa đệ huynh. Hai người thường rủ nhau đi khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh tìm gặp nhiều cao thủ để thử tài. Nhờ đó mà kỳ nghệ và nội lực đạt đến tột đỉnh. Năm 1935, kiện tướng Trung quốc là Triệu Khôn sang Saigon làm mưa làm gió, không ai đối thủ, nhưng khi gặp Hà Quang Bố đả đành đại bại. Tiếng tăm giáo Bố từ đó lẫy lừng.
Một giai thoại xảy ra vào năm 1943. Sòng bạc Đại Thế Giới tổ chức một giải Cờ. Phần thưởng giải vô địch là một bức trường rất đẹp. Và giáo Hội (Nguyễn Thành Hội) đã chiếm giải. Khi giải thưởng mới vừa phát xong, trên tay giáo Hội còn cầm bức trướng, thì giáo Bố từ đâu đi tới, đề nghị một trận thư hùng danh dự với điều kiện: nếu giáo Hội thắng, giáo Bố sẽ chung 100 đồng bạc (bây giờ tương đương với khoảng 300 đô Úc). Cón nếu thua, thì giáo Hội phải đưa bức trướng cho giáo Bố giữ. Là người “trọng tiền tài hơn danh dự”, giáo Hội đồng ý ngay. Kết quả, sau hai ván, một thua và một hòa, giáo Hội mất bức trướng về tay Hà Quang Bố.
Năm 1948, Sài Gòn lại tổ chức giải “vô địch Nam kỳ” và Hà Quang Bố đã đoạt chức vô địch một cách xứng đáng. Năm 1949, khi ông vẫn còn phụ trách kỳ đài thì bệnh lao trở nặng và không lâu sau đó một ngôi sao sáng của làng cờ miền Nam vụt tắt khi tuổi đời mới được 42.
4- HỨA VĂN HẢI (1918-1944)
Hứa Văn Hải sinh tại Sa-đéc, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp. Là con của cụ Hứa Văn Nhiệm, có tổ tiên là người Phúc Kiến, gốc Chương Châu bên Trung quốc. Từ nhỏ, Hứa Văn Hải đã tỏ ra thông minh, có trí nhớ lạ kỳ. Năm 15 tuổi bắt đầu làm quen với Cờ cùng một người em là Hứa Văn Tài và một người bạn tên Tạ Khánh Toàn. Chỉ một năm sau, Hải đã đạt đến trình độ kiện tướng.
Lúc bấy giờ có một cao thủ từ Trung quốc sang Việt Nam. Trong một dịp may, Hứa Văn Hải được gặp. Lúc đó Hải chỉ mới 13-14 tuổi nhưng Triệu Khôn tỏ ra mến mộ một cậu bé có thiên tư, nên tận tình chỉ dạy. Hải đã biểu diễn nhiều chiêu thức thông minh, biến hóa, làm Triệu tiên sinh rất đẹp lòng và nhận Hải làm đệ tử, truyền cho nhiều bài học quí giá. Ngoài cơ may hiếm có nầy, Hải còn là người luôn chịu khó trau giồi, học hỏi qua sách báo, nên công lực càng ngày càng thâm hậu.
Vào dịp Tết Quí Mùi (1943) tại Gò Công có tổ chức “Giải Vô Địch Kỳ Vương” nhưng chỉ giành riêng cho bốn đại cao thủ gọi là “tứ hùng”: Nguyễn Văn Ngoan, Nguyễn Thành Hội, Hà Quang Bố và Hứa Văn Hải. Kỳ vương Hải đã xuất thần, áp đảo quần hùng, đoạt chức vô địch rất oanh liệt. Cũng vào năm đó, dịp tết Trung Thu, sòng bạc “Đại Thế giới” tổ chức giải vô địch Nam Kỳ. Hứa văn Hải tham dự, đã giành chức quán quân trong niềm cảm phục của mọi người.
Bên cạnh những dịp tranh tài chính thức, Hải thường ôm bàn cờ đi khắp nơi đánh độ, làm phương tiện sống qua ngày. Hào kiệt Nam Kỳ Lục Tỉnh đều ngưỡng mộ, tôn là bậc kỳ vương, dù tuổi đời của Hải còn rất trẻ. Và vì trình độ cờ quá cao, đánh với ai cũng phải chấp nước, chấp con, bởi đó cần phải lao tâm khổ trí để tìm cách thắng. Từ những trận cờ thâu đêm, thiếu ngủ, ăn uống thất thường, Hải mắc phải bệnh lao, không đủ điều kiện chạy chữa, càng ngày càng nặng. Cuối năm 1944, kỳ vương biết mình không qua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo, đã trở về quê làng ở Tân Qui và an nghỉ giấc ngàn thu nơi đây ở tuổi đời 26, để lại bao thương tiếc cho làng cờ miền Nam.
5- PHẠM VĂN NGỌC (1916 – 1950)
Thủ lãnh nhóm Đồng Tâm
Danh kỳ Phạm Văn Ngọc sinh năm 1916 (tên thật là Phạm Ngọc Anh), thường được anh em gọi tên thân mật là “anh Tư Ngọc” xuất thân từ Gò-công. Ông là bào huynh của kỳ thủ Phạm Văn Sáng và là thân sinh của nhà cựu vô địch Sài-gòn là Phạm Tấn Hòa. Nhà nghèo, lại mồ côi cha, ông rời trường khi vừa học xong bậc tiểu học, ra đời tìm kiếm mưu sinh. Làm quen với Cờ lúc 14 tuổi, lại may mắn cùng quê và quen biết với danh kỳ Nguyễn Văn Ngoan, được chỉ dạy tận tình nên tài nghệ của ông tiến bộ vượt bực. Hai anh em của ông cùng nhau học hỏi, nghiên cứu thế trận, nên mức độ tiến triển rất nhanh.
Năm 1938, hai anh em rủ nhau lên Sài-gòn kiếm sống. Thuê căn nhà tại số 86 đường Hàm Nghi mở tiệm hớt tóc và bán nón nĩ, lấy tên là “Tiệm hớt tóc Đồng Tâm”. Đây là bước ngoặc trong sự nghiệp cờ tướng của Phạm Văn Ngọc. Để tạo hấp dẫn cho tiệm tóc, hai người thướng bày cờ tướng cho khách chơi trong lúc chờ đợi, từ đó nhiều tay cờ gần xa đến đây trổ tài, giải trí, càng lúc càng đông. Chẳng bao lâu “Đồng Tâm” nghiễm nhiên trở thành một “câu lạc bộ” Cờ Tướng nổi tiếng của đất Sài thành. Những danh thủ như Nguyễn Văn Ngoan, giáo Hội, giáo Bố, Hứa Văn hải đều thường xuyên xuất hiện. Và cũng nhờ có dịp tu luyện với nhiều tay cự phách mà trình độ Cờ của Phạm Văn Ngọc trở nên vượt trội. Vào tiết Trung thu 1943, sòng bạc Đại thế giới tổ chức giải vô địch Sài-gòn, Hứa Văn Hải giành chức quán quân, và Phạm Văn Ngọc đoạt giài Á quân. Làng cờ lúc bấy giờ rất khâm phục.
Khi cách mạng tháng 8 xảy ra, Phạm Văn Ngọc gia nhập phong trào Việt Minh và mất trong một trận giao tranh. Con của ông, Phạm Tấn Hòa, sau nầy cũng đã là một nhà vô địch!
6- PHẠM VĂN SÁNG (1918 – 1992)
Người đi Cờ nhanh như gió
Ông là bào đệ của danh thủ Phạm Văn Ngọc, và là thành viên sáng lập của câu lạc bộ “Đồng Tâm” hay còn gọi là nhóm Đồng Tâm. Hai anh em của ông kết thân với Thái Văn Hiệp tạo thành trụ cột của nhóm, nên ba cao thủ nầy được tôn vinh là “Đồng Tâm tam kiệt”. Giữa những năm1954, nhóm Đồng Tâm được xây dựng củng cố lại, ngoài năm Sáng, ba Hiệp còn có thêm các cao thủ Nguyễn Đình Lạc, Phạm Thanh Mai, Lê Văn Mầu và Trần Văn Kỳ, nhằm đối đầu trong nghệ thuật Cờ Tướng với nhóm Tinh Võ gồm Trần Dụ Tham, Trần Mỹ, Tất Kiên Dương, Lê Bỉnh và Kỳ Triển Bàng.
Anh của ông, Phạm Văn Ngọc, thiên về tấn công ào ạt như vũ bão, Thái Văn Hiêp thiên về phòng thủ chặt chẽ, còn phong cách của Phạm Văn Sáng rất linh hoạt, vừa công vừa thủ, mỗi nước đi luôn tỏ ra đầy sáng tạo. Ông rất thích nghiên cứu cờ thế, vì vậy hầu hết những ván cờ thế lưu truyền nổi tiếng, ông đều nắm rất vững các nước biến, đồng thời phát hiện nhiều chiêu thức mới.
Mùa xuân năm 1949, hội thể thao Tinh Võ ở Chợ Lớn tổ chức một giải Cờ lấy tên là “Giải vô địch Sài Gòn – Chợ Lớn”, Phạm Văn Sáng ghi tên tham dự và đã oanh liệt chiến thắng các cao thủ, đoạt lấy Cúp vàng danh dự. Chính ông là người có công nuôi dưỡng và dìu dắt Phạm Tấn Hòa nối tiếp truyền thống gia đình đi vào nghệ thuật cờ và đạt đến đỉnh vinh quang. Ông là người khiêm tốn, vui vẻ, hoạt bát nên mọi người trong làng cờ đều quý mến. Ông mất năm 1992, sau một cơn bạo bịnh, thọ 74 tuổi.
7- THÁI SANH BÍNH (1915 – 1972)
Đại đệ tử của Giáo HộiDanh thủ Thái Sanh Bính dù không có nhiều thành tích nổi danh, nhưng nhiều người biết tiếng vì ông có công đóng góp cho làng Cờ miền Nam trong giai đoạn đầu của sự phát triển.
Thái Sanh Bính thường được biết đến với tên thường gọi là Bảy Ngài. Xuất thân từ tỉnh Chợ Lớn cũ. Là một người có nhiều năng khiếu từ thuở nhỏ, nên những môn chơi như “Cầm, Kỳ, Thi, Họa” đều biết đến. Năm 20 tuổi, ông đã xưng hùng xưng bá tại huyện Cân Đước bằng tài nghệ Cờ Tướng của mình. Năm 1935, lúc 20 tuổi, ông đã có một trận thư hùng với nhà vô địch tại Tân An là danh thủ Nguyễn Văn Thành, và đã oanh liệt chiến thắng với tỉ số 1 thắng 1 hòa, gây tiếng vang lừng lẫy. Vào năm 1948, ở tuổi 33, danh tiếng lại vang dội khi ông đánh bại vô địch tỉnh Sa-đéc là kỳ thủ Tư Hy. Mùa Xuân năm 1949 Hội Tinh Võ tổ chức một giải Cờ lớn, Thái Sanh Bính hăng hái ghi danh tham dự. Vào giai đoạn đầu ông đã tạo thành tích hạ được cao thủ của tỉnh Gia-định là Nguyễn Đình Lạc, nhưng khi vào vòng trong, ở những ván có tính cách quyết định, ông lại bị cảm, cơ thể và tinh thần mệt mỏi, nên đành chịu thất bại.
Ông kết thân với một trong những đại danh thủ đương thời là Giáo Hội (Nguyễn Thành Hội). Từ năm 1950 đến khi Giáo Hội qua đời, tình bằng hữu giữa hai người rất gắn bó. Nhưng có một vết đen trong sự nghiệp Cờ của ông, là việc ông liên kết với nhà giáo Phạm Văn Khánh (người thường xuyên tổ chức những giải thi đấu) để sắp xếp kết quả có lợi cho riêng mình, nên mang nhiều tai tiếng.
Công trạng lớn nhất của danh kỳ Thái Sanh Bính, là cùng với Nguyễn Thành Hội hợp soạn quyển “Việt Nam Tượng Kỳ Phổ”, và cùng cao thủ Lý Anh Mậu xuất bản quyển “Cờ Tướng”, góp phần không nhỏ vào việc đưa làng Cờ miền Nam đến giai đoạn phát triển.
Người yêu Cờ Thái Sanh Bính mất năm 1972 sau một cơn tai biến mạch máu não, hưởng dương 58 tuổi.
8- THÁI VĂN HIỆP (1919 -?)
Lấy thủ làm công, lấy thoái làm tiến Danh kỳ Thái Văn Hiệp thường được gọi thân mật là “Thầy Ba Hiệp”, vì ông nhận rất nhiều đệ tử để truyền nghề. Quê quán có lẽ từ Gò Vấp, Gia-định. Khi cửa hiệu hớt tóc Đồng tâm của anh em kỳ thủ Phạm Văn Ngọc và Phạm Văn Sáng mở ra, thì Thái Văn Hiệp thường lui tới đánh Cờ. Lâu ngày họ thành bạn thân và có lần Thầy Ba Hiệp đưa vợ con đến câu lạc bộ nầy tá túc. Và từ đó ông cùng với anh em họ Phạm trở thành nòng cốt của Nhóm Đồng Tâm.
Là một người rất say mê học hỏi từ sách vở Cờ tướng, dần dà hình thành một lý thuyết ra quân mà ông luôn tuân thủ. Ông tu luyện từ những pho sách cổ, như Ma Hoa Phỏ, Quất Trung Bí, Thạch Dương Di Cục và nghiên cứu những cách xuất quân của những kỳ thủ trong nhóm “tứ đại thiên vương” gồm có Châu Đức Dụ, Chung Trân và Tạ Hiệp Tốn. Từ khi ông có trong tay quyển kỳ phổ “Tượng Hí Câu Huyền” của Châu Đức Dụ biên soạn, ngày đêm nghiền ngẫm rất tâm đắc, công lực tiến triễn rất nhiều, có thể liệt vào hàng các danh thủ đầu đàn của làng Cờ miền Nam.
Từ cuối thập niên 1960, do tuổi cao, mà cũng có thể vì trình độ Cờ tướng thế giới đang chuyển mình vượt bực, sức Cờ của ông bắt đầu sa sút. Những thế trận mà ông dày công tu luyện không còn sắc bén nữa, lớp người trẻ ào ạt tiến lên, uy hiếp trực tiếp vào vị trí đầu đàn của ông. Nhưng dầu vậy trước sau làng Cờ Sài-gòn vẫn luôn kính trọng và đánh giá cao sự nghiệp đóng góp của ông. Những danh thủ đương đại như Nguyễn Văn Tòng, Mạch Hữu Nghĩa, Trần Ngọc Lâu, Mai Thanh Minh và nhiều người nữa luôn tự nhận mình là đệ tử của “Thầy Ba Hiệp”!
9- NGUYỄN ĐÌNH LẠC (1925 – 1959)
Một tay Cờ tài tửDanh thủ Nguyễn Đình Lạc nguyên quán thị xã Tân An, nhưng lớn lên và nổi danh tại Bà Chiểu (thuộc tỉnh Gia-định). Ông là một tú tài trước năm 1945, làm nhân viên kế toán cho một công ty thương mại. Là người rất bận rộn với công việc làm ăn, Nguyễn Đình Lạc vẫn luôn yêu mến và giành nhiều thời gian cho việc nghiện cứu Cờ. Thuở còn là học sinh, thường xuất hiện trong chốn giang hồ, bất cứ ai khiêu khích, ông đều sẵn sàng ứng chiến và thường là người chiến thắng. Các danh thủ đàn anh như Phạm Văn Sáng, Thái Văn Hiệp cảm mến kỳ nghệ, mời Nguyễn Đình Lạc tham gia nhóm Đồng Tâm. Từ đó ông thường lui tới với anh em trong nhóm, học tập, trao đổi kinh nghiệm, trình độ Cờ trở nên sâu sắc, công lực ngày càng thâm hậu.
Ban đầu Nguyễn Đình Lạc theo quan điểm “dĩ nhu thắng cương”, chuyên về thế thủ, nên những trận Cờ kéo dài rất lâu. Nhưng về sau, ông học với “Thầy Năm Sáng”, chịu ảnh hưởng tấn công, dùng Pháo Đầu làm vũ khí chiến lược, những ván Cờ trở nên linh hoạt, kết thúc nhanh và nhiều hứng thú. Năm 1951, ông tham dự Giải Cờ do hãng rượu Martell tổ chức và giành chức quán quân. Từ đó, ông luôn tìm kiếm những danh thủ để “lãnh giáo”. Bất cứ đánh với ai, ông cũng tỏ ra là người đảm lược, thường chiếm thế thượng phong.
Tuy nhiên, tựu trung Nguyễn Đình Lạc luôn được xem là tay Cờ tài tử. Xem Cờ như một thú giải trí tao nhã, một nghệ thuật cao quý, đáng đam mê, không phải là phương tiện kiếm sống. Làng Cờ ai cũng tỏ ra quí trọng vì tính ông hòa nhã, điềm đạm, nói năng từ tốn, không làm mất lòng ai. Đặc biệt rất chân tình với anh em. Ai hỏi điều gì cũng hết lòng chỉ bảo, không dấu giếm, nên gần gủi với mọi người.
Năm 1954, vừa mới 29 tuổi, ông có dấu hiệu bệnh lao, buộc phải ngưng đeo đuổi việc chơi Cờ. Vì thế công lực nhiều phần giảm sút. Mùa Thu 1958, sau cuộc đấu giao hữu với kỳ vương Lý Chí Hải, về nhà bệnh càng trầm trọng. Và chỉ một năm sau, ông lặng lẽ giã từ anh em, khi tuổi đời chỉ vừa 34. Thật là một mất mát quá sớm.
10- LÝ ANH MẬU (1926 – 1977)
Bạn của nàng tiên nâu
Lý Anh Mậu là em ruột của nhà văn nổi tiếng Lý Văn Sâm. Xuất thân từ huyện Tân Uyên, thuộc tỉnh Biên Hòa. Thuở còn là thanh niên ông đã được nổi danh là “nhà vô địch Biên Hòa”, và thường được anh em gọi tên thân mật “Lý Anh Mô”. Sau năm 30 tuổi, ông dời về sinh sống tại Bà Chiểu thuộc tỉnh Gia-định, nên thường được xem là cao thủ thành Gia-định.
Ngày xưa nhà thuốc Võ Văn Vân thường in trong tập quảng cáo những ván Cờ dịch từ sách Quất Trung Bí và Mai Hoa Phổ để làm chiêu câu khách. Và cậu bé Lý Anh Mậu đã theo dõi, học tập từ những trang nầy, sớm lãnh hội những tinh hoa của kỳ nghệ, nhanh chóng trở thành một trang thiếu niên cao cờ. Đến nỗi khắp đất Biên Hòa không ai đương cự nổi. Đầu năm 1944, lúc 18 tuổi, bầu nhiệt huyết của tuổi thanh xuân đã đưa Lý Anh Mậu xuống Sài-gòn tìm gặp Hứa Văn Hải để thử tài. Hải rất mến mộ tài năng, đem nhiều tài liệu từ lâu mà mình yêu quí, giao cho Mậu với lòng mong muốn Mậu sẽ trở thành một kỳ thủ thống lãnh làng Cờ. Đây là một việc làm của Hứa Văn Hải mà ai ai cũng kinh ngạc, vì chưa bao giờ Hải làm cho một người nào.
Năm 1948, Lý Anh Mậu tham dự đánh lôi đài ở sòng bạc Đại Thế Giới và được Hà Quang Bố dạy cho nhiều bài học quí báu. Từ đó giáo Bố rất thương mến, thâu nhận Mậu làm đệ tử, tận tình chỉ dạy. Trước khi qua đời Giáo Bố đã giới thiệu Lý Anh Mậu thay mình làm đài chủ, thủ đài cho sòng bạc Đại Thế Giới mãi đến năm 1954 mới thôi. Trong 5 năm thủ đài đó, Lý Anh Mậu đã rút tỉa nhiều kinh nghiệm, đúc kết nhiều bài học và hình thành quan điểm xem Cờ là một nghệ thuật cao quí, đòi hỏi người chơi một nhân sinh quan tốt đẹp, chiến thắng đối phương là do kỳ nghệ, chứ không phải bằng thủ đoạn tầm thường. Ông đã cố gắng đưa lý luận vào Cờ, mà ông gọi là “kỳ lý”.
Đáng tiếc, khi được Đại Thế Giới trả lương hậu hĩnh, ông đã sa vào nàng tiên nâu. Á phiện đã làm hư con người, nhiều lần ông đã đi giang hồ kiếm sống và dùng mọc-phin chích cho thỏa cơn ghiền. Cả cuộc đời giành cho Cờ và nàng tiên nâu, không lập gia đình, không con cái. Ông mất vào cuối năm 1978 sau một cơn tai biến mạch máu não, hương dương 53 tuổi. “Bàn Cờ Nhỏ” ông đã thành toại mà “Bàn Cờ Lớn” của cuộc đời ông đã đánh rơi!
Lý Anh Mậu nhận nhiều học trò, nhưng đóng góp lớn nhất cho hậu thế là hơn 10 quyển sách mà ông đã biên soạn nhằm phát huy nghệ thuật của một môn chơi trí tuệ.